NHỮNG ĐIỂM LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THUỐC TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

admin Số lượt xem: 1867

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là bệnh lý trong đó dịch từ dạ dày trào lên thực quản gây triệu chứng khó chịu và/hoặc biến chứng. Về điều trị, cách tiếp cận chung trong quản lý đối với bệnh nhân GERD là phối hợp giữa các biện pháp không dùng thuốc (thay đổi lối sống và chế độ ăn) và các biện pháp dùng thuốc. Việc lựa chọn phương pháp điều trị thường dựa trên tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tình trạng viêm trên nội soi đường tiêu hoá trên và tối ưu hóa các yếu tốt nguy cơ. Trong đó, các nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị GERD bao gồm: thuốc ức chế bơm proton (PPI), kháng histamin H2, kháng acid (antacid), nhóm bảo vệ tế bào và thuốc hỗ trợ nhu động (prokinetic). Việc lựa chọn thuốc cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của triệu chứng, các yếu tố nguy cơ, bệnh lý nền và các thuốc người bệnh đang phải sử dụng. 

Tuân thủ điều trị là một yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân có thể đạt mục tiêu điều trị. Bệnh nhân nên dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, tái khám đúng lịch hẹn và lưu giữ lại các đơn thuốc đã sử dụng để có thể theo dõi được đáp ứng điều trị, và có những thay đổi phù hợp với tiến triển bệnh. Các nhóm thuốc khác nhau trong điều trị GERD thường có thời điểm sử dụng khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm tác dụng, dạng bào chế của từng thuốc, và thường được ghi rõ trong đơn thuốc. Cụ thể một số điểm cần lưu ý như sau: 

- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI) bao gồm omeprazol, lansoprazol, pantoprazol, rabeprazol, esomeprazol, dexlansoprazol. Thuốc thường uống trước ăn 30-60 phút. Nếu chỉ sử dụng một liều duy nhất trong ngày thì nên dùng thuốc vào buổi sáng. Ngoại trừ thuốc dexlansoprazol, do ở dạng giải phóng chậm kép nên có thể uống bất kì thời điểm nào trong ngày và không phụ thuộc vào bữa ăn. 

Uống thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản

Ảnh minh họa: Thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

- Nhóm thuốc kháng histamin H2 bao gồm cimetidin, famotidin,... Các thuốc này mặc dù hiệu quả ức chế tiết acid và chữa lành tổn thương viêm trên nội soi kém hơn nhóm PPI nhưng có thể được sử dụng phối hợp với PPI vào thời điểm trước khi đi ngủ buổi tối do tác dụng kiểm soát tốt các cơn trào ngược acid vào ban đêm. 

- Nhóm thuốc hỗ trợ nhu động thường được sử dụng trước bữa ăn lúc dạ dày rỗng tuy nhiên nhóm thuốc này có một số tác dụng phụ không mong muốn trên một số nhóm đối tượng đặc biệt như người lớn tuổi, người có bệnh lý tim mạch. Vì vậy việc lựa chọn loại thuốc an toàn, ít tương tác thuốc, ít tác dụng phụ không mong muốn sẽ được bác sĩ cân nhắc chỉ định trên từng người bệnh. 

- Nhóm bảo vệ dạ dày bao gồm sucralfat, rebamipid: thường ở dạng gel và uống trước bữa ăn khoảng 30 phút. 

- Nhóm kháng acid (antacid) bao gồm nhôm hydroxit/magie hydroxit, pepsan, gaviscon, gastropulgite, yumangel. Các thuốc này thường có thời gian khởi phát tác dụng nhanh nhưng thời gian tác dụng ngắn và thường được sử dụng sau bữa ăn hoặc khi bệnh nhân có triệu chứng. 

Nhìn chung, các nhóm thuốc trên dung nạp khá tốt, một số tác dụng không mong muốn có thể gặp với tỷ lệ thấp khi sử dụng bao gồm: buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, chóng mặt,…Bệnh nhân khi sử dụng cần theo dõi các phản ứng bất thường trong suốt đợt điều trị, liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu các triệu chứng cấp tính hoặc ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống để được tư vấn xử lý kịp thời.  

Như vậy, bên cạnh việc phối hợp với các biện pháp không dùng thuốc bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt và ăn uống, tuân thủ điều trị và tránh lạm dụng thuốc là những giải pháp tối ưu để giúp bệnh nhân GERD có thể kiểm soát triệu chứng tốt nhất. 

Kết nối chúng tôi

Đăng ký học

 Đăng ký ngay