CÁC BIỂU HIỆN NGOÀI ĐƯỜNG TIÊU HÓA CỦA BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

admin Số lượt xem: 1094

Bên cạnh những biểu hiện tại thực quản, người mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản cũng có thể gặp các triệu chứng ngoài đường tiêu hóa khác như: 

  • Miệng tiết nhiều nước bọt: Khi bị trào ngược dạ dày, người bệnh có thể thấy tiết ra nước bọt nhiều hơn khiến bệnh nhân luôn cảm thấy khó chịu, muốn nuốt xuống hoặc ợ kèm theo.  

  • Chua miệng, đắng miệng: Hiện tượng trào ngược có thể xảy ra khi cơ thắt thực quản dưới ở vùng tâm vị có trương lực cơ thắt thấp, hay xảy ra sự giãn thoáng qua hoặc bệnh nhân có thoát vị hoành. Dịch acid từ dạ dày hoặc dịch mật từ tá tràng trào lên thực quản và lên tới khoang miệng gây ra cảm giác chua miệng, đắng miệng. Hiện tượng này thường xảy ra vào sáng sớm khi vừa ngủ dậy. 

  • Khó thở và hen suyễn: Trào ngược dạ dày thực quản có thể liên quan đến các triệu chứng của đường hô hấp như co thắt phế quản, khó thở, nặng có thể gây cảm giác nghẹt thở. Nguyên nhân do dịch acid từ thực quản xâm nhập vào đường thở, đặc biệt trong khi ngủ gây phù nề, kích thích niêm mạc đường thở hoặc do phản ứng dây thần kinh phế vị. Bệnh nhân tùy mức độ có thể biểu hiện ho kéo dài (trên 8 tuần), thở khò khè và đặc điểm của nhóm bệnh nhân này là điều trị các thuốc hô hấp không đỡ hẳn. 

Các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa của bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Viêm họng kéo dài, viêm thanh quản: Khi acid trào ngược lên vòm họng sẽ làm tổn thương niêm mạc họng và dây thanh quản. Bệnh nhân có thể có biểu hiện đau họng và khản tiếng kéo dài, nội soi tai mũi họng sẽ thấy một số hình ảnh điển hình của viêm họng thanh quản trào ngược như: phù dưới thanh quản, tiêu thất, ban đỏ hoặc xung huyết phù nề nếp gấp thanh quản, phù thanh quản tổng quát, phì đại tuyến sau, u hạt hoặc mô hạt; và chất nhờn dư thừa trong thanh quản1. 

  • Mòn răng, răng xỉn màu: Bào mòn thường sẽ xuất hiện đầu tiên ở bề mặt của vòm răng cửa hàm trên, sau đó nếu tình trạng trào ngược tiếp tục kéo dài sẽ gây ra sự xói mòn bề mặt khớp cắn của các răng sau và mặt răng hàm, răng trở nên xỉn màu, kèm theo đó hơi thở có mùi hôi2. 

Tài liệu tham khảo 

  1. Campagnolo AM, Priston J, Thoen RH, Medeiros T, Assunção AR. Laryngopharyngeal reflux: diagnosis, treatment, and latest research. Int Arch Otorhinolaryngol. 2014;18(2):184-191. doi:10.1055/s-0033-1352504 

  1. Dundar A, Sengun A. Dental approach to erosive tooth wear in gastroesophageal reflux disease. Afr Health Sci. 2014;14(2):481-486. doi:10.4314/ahs.v14i2.28 

Kết nối chúng tôi

Đăng ký học

 Đăng ký ngay