Phụ nữ mang thai có thể gặp các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản như nóng rát sau xương ức hoặc xuất hiện cơn trào ngược. Những triệu chứng này có thể bắt đầu ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình mang thai nhưng nhiều nhất là ở những tháng đầu và cuối của thai kỳ. Có ba lý do chính gây nên hiện tượng trào ngược dạ dày ở đối tượng này:
Thay đổi nội tiết tố (hormon) cơ thể khi mang thai:
Cơ thể mẹ sản sinh ra lượng lớn hormone progesterone làm giãn nở tử cung tạo điều kiện cho thai nhi phát triển. Đồng thời, khi nồng độ hormone này tăng cao cũng sẽ làm các cơ của thực quản bị giãn bao gồm cả cơ thắt thực quản dưới, tạo điều kiện cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản.
Nồng độ hormone relaxin trong cơ thể tăng đột ngột có thể làm cản trở quá trình tiêu hóa, thức ăn ở trong dạ dày lâu hơn khiến axit tiết ra nhiều hơn và gây ra hiện tượng ợ hơi, đầy bụng, trào ngược.
Vào những tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi phát triển ngày càng lớn và chiếm nhiều diện tích trong bụng mẹ sẽ gây áp lực lên dạ dày, đè lên cơ thắt thực quản dưới, khiến thức ăn bị đẩy ngược lên thực quản; đồng thời cũng làm cho quá trình co bóp và tiêu hóa thức ăn bị ứ đọng, lượng dịch vị dạ dày sản sinh nhiều hơn gây trào ngược.
Bên cạnh những nguyên nhân trên, còn có những yếu tố khác làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày cho phụ nữ có thai như: tăng cân nhanh; stress khi mang thai; các thói quen không tốt như ăn quá nhiều, ăn ngay trước khi đi ngủ, mặc quần áo ôm sát và chật, uống thức uống chứa caffein hoặc có ga, ăn một số thực phẩm dễ gây trào ngược thực quản.
Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản có thể kéo dài trong suốt thai kỳ và nặng hơn vào 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng này đều có thể cải thiện sau khi sinh. Các triệu chứng thường gặp là:
Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua.
Thường xuyên buồn nôn, nôn hoặc nghẹn thức ăn. Triệu chứng này cũng có thể kết hợp với nôn nghén làm cho tình trạng này trở nên tệ hơn.
Ngoài ra còn có thể gặp các triệu chứng khác như: đau ngực, nuốt khó, khản tiếng, ho nhiều, chán ăn, sụt cân nhanh, thiếu máu hoặc xuất huyết đường tiêu hóa.
Bệnh lý không gây nguy hiểm đến sức khỏe của các bà mẹ nếu được phát hiện sớm và chú ý thực hiện các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên, thai phụ có thể bị mất nước, sút cân (do nôn nhiều) và tổn thương viêm, loét thực quản (do trào ngược dạ dày). Mặt khác vì thường xuyên bị ợ nóng, đầy bụng, nhiều thai phụ cảm thấy khó chịu và không muốn ăn uống dẫn đến nguy cơ thai nhi bị thiếu dinh dưỡng. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của thai phụ.
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Việc thay đổi chế độ sinh hoạt và thói quen ăn uống sẽ giúp cải thiện đáng kể hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản. Những lời khuyên các bà mẹ có thể áp dụng:
Chế độ ăn và thay đổi thói quen ăn uống:
Tránh ăn đồ cay nóng, nhiều chất béo và tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm có cồn, chất kích thích vì đây đều là những thực phẩm dễ làm giãn cơ thắt thực quản.
Nhận biết và theo dõi các đáp ứng liên quan đến triệu chứng trào ngược của cơ thể để lựa chọn loại thực phẩm phù hợp.
Ăn chậm, nhai kỹ tránh bị nghẹn.
Không ăn quá no, chia đều khẩu phần ăn một ngày thành nhiều bữa nhỏ.
Không nên ăn trước khi đi ngủ.
Uống ít nước trong khi ăn, nên uống nước vào giữa các bữa ăn.
Ngay sau bữa ăn, không nên đi nằm ngay, có thể vận động nhẹ nhàng.
Thay đổi tư thế nằm: nằm cao đầu, nghiêng sang trái hoặc đặt gối dưới vai để ngăn axit trào ngược lên thực quản khi đang nằm ngủ.
Nên tập luyện, vận động nhẹ nhàng. Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, hạn chế tình trạng căng thẳng tinh thần.
Duy trì mức cân nặng ổn định trong suốt thai kỳ.
Sử dụng quần áo bầu thoải mái, chất liệu thoáng mát để tránh gây áp lực lên vùng bụng, dạ dày, thực quản.
Điều trị bằng thuốc
Trường hợp các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản chuyển biến nặng, không cải thiện sau khi áp dụng lời khuyên trên thì cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa và thăm khám tại cơ sở uy tín để được chỉ định thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh, đảm bảo không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc áp dụng các mẹo dân gian truyền miệng.